Quen nhau từ những năm
tháng chiến tranh ác liệt nhất để rồi đến với nhau bằng sự đồng cảm và
lòng yêu thương chân thành, họ đã sống hạnh phúc bên nhau đã hơn 40 năm.
Cho đến bây giờ, hai người đang an dưỡng tuổi già tại Trung tâm điều
dưỡng thương binh huyện Thuận Thành và những lúc có thời gian ông bà vẫn
thường ôn lại những kỉ niệm về cái thời đẹp đẽ đó.
|
Ông Uyên, bà Hồng hạnh phúc bên nhau (ảnh H.P).
|
Trái tim chân thành xua tan mặc cảm
Vào một buổi trưa của những ngày cuối năm,
chúng tôi có ghé qua trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Thuận Thành.
Ngồi trò chuyện với các bác thương binh, tình cờ nghe được câu chuyện
tình yêu đầy cảm động của một đôi vợ chồng đang an dưỡng tại đây. Chúng
tôi được mọi người chỉ đến căn phòng của đôi vợ chồng già hạnh phúc ở
cuối dãy nhà. Từ trong nhà bước ra là một cụ ông với nụ cười hiền lành
chào hỏi chúng tôi, nói vọng phía sau là giọng nói nhỏ nhẹ của cụ bà:
"Ai đấy ông ơi, mời vào nhà uống chén trà cho nóng chứ đứng ngoài lạnh
lắm".
Rót chén trà nóng ngồi tâm sự với chúng tôi về
chuyện tình yêu những năm tháng ác liệt của chiến tranh, bà Hồng nhớ lại
những ngày tháng gian khổ trước đây. Bà quê gốc ở huyện Hương Sơn (Hà
Tĩnh). Năm 22 tuổi theo tiếng gọi của tổ quốc, cũng như bao thanh niên
cùng trang lứa người con gái ấy tham gia kháng chiến. Lúc đó bà được
phân vào đơn vị binh đoàn 12 đóng quân ở tỉnh Quảng Bình. Hằng ngày bà
cùng đồng đội của mình miệt mài làm những đoạn đường bị giặc ném bom tàn
phá để xe của bộ đội ta đi qua. Một năm sau khi gia nhập bộ đội trong
lúc đang lấp những hố sâu do bom đánh phá trên đường Hồ Chí Minh, bà đã
quen biết rồi đem lòng yêu thương một anh công nhân quốc phòng. Người đó
chính là ông Uyên quê ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng đang làm việc ở con
đường này.
Nhắc đến khoảng thời gian chiến tranh bà Hồng
nhớ lại: "Đợt đó chúng tôi gặp nhau được ít lắm. Mỗi lần ông Uyên đi
công tác đều ghé lại thăm tôi, nhưng chỉ nói chuyện với nhau được một
xíu thì phải chia tay. Nhiều lần những câu chuyện còn giang dở, những
lời thổ lộ từ chàng công nhân chưa kịp nói ra. Nhưng những lúc đó họ vẫn
hiểu hoàn cảnh và đối với họ ngần đó thời gian là quý lắm". Thế rồi
tình cảm hai người đã nảy sinh qua những lần chuyện trò đó. Trái tim của
họ đã yêu nhau từ lúc nào không hay. Hai người vẫn tự hứa với nhau rằng
sau ngày đất nước được giải phóng sẽ nên vợ nên chồng.
Nhưng điều không may đã xảy ra, năm 1968 trong
một lần địch ném bom ác liệt trên đỉnh Trường Sơn, cô thanh niên xung
phong Trần Thị Hồng đã bị thương nặng ở hai cánh tay. Khi tỉnh dậy thì
thấy mình đã ở trong bệnh viện của binh đoàn 12 trong tình trạng vết
thương đầy người và hai cánh tay đã không còn nữa. Nhớ lại những ngày bị
thương, bà Hồng chia sẻ: "Tôi đã không biết mình hôn mê bao nhiêu ngày
nữa, khi tỉnh dậy thì hai cánh tay đã bị tàn phế. Lúc đó tôi chả suy
nghĩ được gì hết tinh thần rất hoảng loạn. Cho đến khi đã tỉnh hẳn tôi
mới biết được tình trạng của mình, tôi đã rất buồn". Bà nói thêm: "Ngày
ấy tôi bi quan lắm chả thiết sống nữa bởi cảm giác mặc cảm nặng nề.
Nhưng chính lúc tôi tuyệt vọng nhất thì được ông Uyên động viên, ai ủi.
Tôi hiểu ra rằng chiến tranh không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra
với mình...".
Ông Uyên không bao giờ quên được cái ngày mà
nhận được tin người yêu mình bị thương. Lúc đó ông đang đi làm nhiệm vụ
cách nơi bà Hồng điều trị rất xa. Nhận được tin ông đã không quản ngày
đêm về thăm người yêu. Bà Hồng vui vẻ nói: "Tưởng rằng khi biết tình
trạng mình nằm một chỗ như thế không làm được việc gì, ông Uyên sẽ có
những suy nghĩ khác. Thế nhưng, tôi không ngờ rằng, sau lần đến thăm vội
ấy ông Uyên vẫn liên lạc hỏi han tôi như ngày trước. Lúc đó tôi cũng
không biết vì sao hoàn cảnh của mình như vậy mà người yêu vẫn không thay
lòng đổi dạ. Điều ấy đã vực dậy tinh thần suy sụp trong lòng tôi rất
nhiều".
|
Bà Hồng kể chuyện với PV (Ảnh H.P).
|
Rồi một năm sau đó trong một chuyến công tác
ngang qua, chàng trai đã tìm đến cô (lúc đó đang ở một trạm điều trị tại
một bênh viện ở Hương Khê) ngỏ lời mong được lấy bà làm vợ. Lúc này,
trong trái tim cô thanh niên xung phong cảm thấy vui mừng khôn xiết.
Nhưng nghĩ đến bản thân mình tàn phế thế này lấy về chỉ khổ thêm, nên cô
gái ấy đã nằng nặc từ chối. Trong lòng cô gái chỉ mong ông Uyên lấy
được một người phụ nữ có thể chăm sóc ông cả đời, chứ không phải lấy một
người như mình. "Lúc đó tôi cứ nghĩ ông Uyên chỉ vì thương hại tôi nên
mới ngỏ ý muốn lấy tôi. Nghĩ đến điều đó tôi đã khóc rất nhiều. Nhưng
rồi sau mấy lần nói chuyện, trái tim chân thành của ông Uyên đã xóa tan
những ý nghĩ đó của tôi. Thế rồi tôi nhận lời đề nghị của ông ấy", Bà
Hồng nhớ lại.
Khi hai người quyết định đến với nhau họ lại
phải vượt qua một khó khăn nữa là làm thế nào để được sự cho phép của
gia đình hai bên. Vì từ đầu phía gia đình nhà ông Uyên cũng phản đối
kịch liệt vì không thể chấp nhận cho con trai mình lấy một người mất cả
hai cánh tay không làm được việc gì, như thế không biết sẽ sống ra làm
sao. Còn phía gia đình bà Hồng thì bảo "Giờ thương tật thế này thì chồng
con sao được nữa, chỉ khổ người ta". Nhưng hai người không chịu bỏ
cuộc. Sau nhiều lần thưa chuyện với gia đình, sự chân thật và tình yêu
thương của hai người dành cho nhau đã khiến cả hai gia đình cảm động và
đồng ý.
Hơn 40 năm vẹn nguyên lời hứa yêu thương
Năm 1969, đám cưới của hai người được tổ chức
đơn giản chỉ có mấy gói bánh kẹo, nước chè với trầu cau tại nhà bà bố mẹ
bà Hồng. Trong sự chúc phúc của mọi người, gia đình bên nhà gái. Thế
nhưng, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chưa được bao lâu thì sau đám cưới
một ngày, ông Uyên lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, bà Hồng ở nhà
điều trị vết thương. Vì vết thương tái phát bà Hồng được đưa đến bệnh
viện quân khu IV lúc đó có một chi nhánh đang đóng ở Hương Khê. Rồi sau
đó chuyển ra an dưỡng tại trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Thuận
Thành (Bắc Ninh). Sau ngày đất nước được giải phóng, ông Uyên xin về
công tác tại Trung tâm này. Vì vẫn còn sức khỏe ông vẫn thường xuyên sửa
xe lăn cho các đồng chí thương binh nơi này.
Chiến tranh cũng đã để lại cho ông Uyên không
biết bao nhiêu vết thương về thể xác, giờ đây những hôm trái gió trở
trời ông vẫn hay bị đau nhức, mệt mỏi… Về ở với nhau ông Uyên trở thành
đôi tay thứ hai của vợ mình. Mọi sinh hoạt của bà đều dưới đôi tay của
người chồng. "Vì mất hai cánh tay nên công việc ăn uống hằng ngày của
tôi rất khó khăn. Bình thường ông Uyên vẫn hay bón cơm cho tôi ăn, đưa
nước cho tôi uống. Những hôm trái gió trở trời ông Uyên mệt không làm
được gì thì bà Hồng phải lấy một cái bao da quấn vào tay rồi nhét thìa
vào xúc từng thìa cơm. Lúc đầu tự phục vụ mình thế tôi cũng cảm thấy khó
khăn nhưng dần rồi thì quen đến bây giờ từ ăn cơm hay đánh răng… thì
tôi tự làm được", bà Hồng vui vẻ nói.
Bao nhiêu năm sống với nhau, ông Uyên cùng bà
Hồng đã xây dựng nên một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Đối với ông Uyên
không có hạnh phúc nào khi được bên cạnh bà Hồng, trong lòng ông chưa
bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay chán nản điều gì. Niềm hạnh phúc của đôi vợ
chồng được nhân lên gấp bội khi năm 1978 đứa con đầu (Hoàng Tiến Nhân)
được chào đón, rồi đến năm 1981 đứa con thứ hai (Hoàng Tiến Đức) cũng ra
đời. Hai đứa con là niềm hạnh phúc nhất của ông bà. Giờ đây niềm vui
hơn nữa là cả hai đứa con đều đã trưởng thành, một người đang là giáo
viên của Trường Chuyên Bắc Ninh, một đang là cán bộ của Sở Kế hoạch -
Đầu tư tỉnh Bắc Ninh.
An dưỡng tuổi già ở trung tâm điều dưỡng thương
binh huyện Thuận Thành nhưng trong lòng vợ chồng già ấy vẫn luôn vui
vẻ, thoải mái, khi hai đứa con trai đã thành đạt và có gia đình. Rồi cứ
cuối tuần có mấy đứa cháu nội xuống chơi với hai ông bà. Cuộc sống bình
dị cứ thế trôi đi, "Lời hứa mà ông Uyên đã nói sẽ chăm sóc tôi suốt cả
cuộc đời trước khi đến với nhau không bao giờ thay đổi", bà Hồng vui vẻ
nói.
Comments[ 0 ]
Post a Comment