Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND 5 thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ GTVT trong quý III năm nay, xây dựng Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố.
Dịch vụ xe đạp công cộng là gì, cách thức hoạt động của dịch vụ giao thông này như thế nào, và đem lại lợi ích gì cho người dân, có giải quyết được ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn?
Chúng tôi đã có cuộc chia sẻ với TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam về những vấn đề này.
Tiện lợi ở những đường ngắn
TS. Nguyễn Ngọc Long cho biết, dịch vụ xe đạp công cộng là một loại hình kinh doanh cho thuê xe đạp. Người tham gia giao thông không cần mua sắm xe đạp mà có thể đến một điểm nào đó, trả tiền và mượn đi. Khi không cần đi nữa, người ta có thể trả lại xe ở một địa điểm khác.
Loại hình này đã và đang được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng, đặc biệt là các nước phát triển ở châu Âu. Đây là một trong các giải pháp nhằm giảm thiểu gánh nặng cho giao thông công cộng.
TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam. Ảnh Hòa Anh
Theo TS. Long, xe đạp công cộng rất tiện ích cho người dân đi lại cự ly ngắn. Những chặng đường dài trong thành phố vẫn phải do phương tiện vận tải công cộng "số lớn" như xe buýt, tàu điện đảm nhiệm. Do vậy xe đạp công cộng là để giải quyết phạm vi hẹp chứ không phải là thứ thay thế loại phương tiện vận tải "số lớn" được.
Ông Long lấy ví dụ: Đi từ Nội Bài đến Hồ Gươm, hay ga Yên Viên vào trung tâm thành phố Hà Nội không thể trông chờ vào dịch vụ xe đạp công cộng. Nhưng một người đi xe buýt từ ngoại thành vào Bờ Hồ (Hà Nội), nếu muốn đi loanh quanh Hồ Gươm và phố cổ, có thể thuê một chiếc xe đạp.
Việc cho thuê xe đạp thường được vận hành tự động bằng máy móc. Xe đạp được khóa tại bãi đỗ. Người có nhu cầu mượn xe chỉ cần đến bãi, quẹt thẻ tài khoản rồi lấy xe ra.
Cũng theo nhà nghiên cứu giao thông, không phải chỗ nào trong thành phố đều có thể áp dụng loại dịch vụ này. Dịch vụ xe đạp công cộng thường chỉ hoạt động ở một vài khu vực trung tâm. Từ điểm khác đến khu vực trung tâm, người ta vẫn phải đi bằng xe buýt hay tàu điện. Chỉ tại khu vực trung tâm mới có dịch vụ cho thuê xe đạp.
Làm đường riêng cho xe đạp?
“Bài toán đặt ra trước mắt là xe đạp sẽ đi ở đường nào?” – TS. Long nêu vấn đề. Theo ông, trong giao thông đô thị, điều tối kỵ là pha trộn các loại phương tiện có vận tốc khác nhau. Nếu ô tô, xe máy và xe đạp cùng đi chung một đường với nhau, đó sẽ là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Bời vậy, phải có đường riêng cho xe đạp đi.
Ông Long còn cho biết, ở một số nước phát triển, người ta dành hẳn một đường riêng cho xe đạp đi. Có nước lại cho xe đạp đi trên vỉa hè cùng người đi bộ. Việt Nam muốn phát triển mô hình giao thông xe đạp công cộng, cũng phải tính toán đường đi cho phương tiện này.
Việt Nam muốn phát triển mô hình giao thông xe đạp công cộng, cũng phải tính toán đường đi cho phương tiện này. Ảnh: Nguyễn Lý
Trên thực tế, Hà Nội hay TP. HCM đều có nhiều khu vực phân làn đường cho ô tô, xe máy, thậm chí làm đường riêng cho xe buýt, nhưng người ta vẫn đi lẫn lộn. Do vậy, theo ông Long, việc dành một đường riêng cho xe đạp là điều rất khó. Hơn nữa, các nhà quản lý lại phải tính toán để xây dựng bến bãi, điểm đỗ.
Ngoài ra, theo TS. Long, để phát triển dịch vụ xe đạp công cộng, phải có nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước không thể đứng ra cho thuê được. Nhà nước chỉ cung cấp địa điểm, bến bãi đỗ xe. Còn phương thức kinh doanh, quản lý là doanh nghiệp tự tính toán.
TS. Nguyễn Ngọc Long cho rằng, chủ trương phát triển đa dạng phương tiện trong giao thông đô thị là cần thiết. Nhưng, theo ông, giao thông là sự đồng bộ. Trước mắt, vẫn phải thí điểm và chọn trọng tâm khu vực. Chẳng hạn, ở Hà Nội có thể chọn Hồ Gươm và phố cổ. Đây là khu vực người qua lại rất lớn và sử dụng xe đạp có thể rất tiện lợi.
"Đừng nghĩ rằng, phát triển xe đạp công cộng sẽ thực hiện được ngay và giải quyết tốt ùn tắc giao thông!" - Ông Long nói.
Vị Phó Chủ tịch hiệp hội Cầu đường cho biết, để giải quyết bài toán giao thông lâu dài, nhà nước vẫn phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển phương tiện giao thông "số lớn". Còn việc phát triển xe đạp công cộng chỉ là một giải pháp rất nhỏ bé. Ở các nước áp dụng xe đạp công cộng cũng vậy. Tỷ trọng của loại phương tiện này so với các loại phương tiện khác vẫn chiếm rất thấp.
"Để một chuyến xe chở được hàng trăm người, hàng nghìn người mới giải quyết được ách tắc đô thị." – TS. Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
Comments[ 0 ]
Post a Comment